Quy trình thủ tục tố tụng Hình sự Luật_hình_sự

Đây là những quy định cụ thể, xuyên suốt quá trình truy tố cáo buộc và xét xử cá nhân vi phạm luật hình sự. Có 2 trường phái.

Ở nhiều quốc gia theo hệ thống thẩm tra (inquisitional system) thường hiểu là hệ thống của Pháp, sự xem xét đánh giá quy trình tố tụng, xét xử do quan kiểm sát (hay một thẩm phán độc lập) đóng vai trò tích cực trong việc giám sát cơ quan điều tra, xem xét cáo trạng, các chứng cứ trước tòa và viết báo cáo nhận định quy trình điều tra, và tố tụng. Quan chức này thẩm tra nhân chứng, nghi can, ra lệnh khám xét, tạm giam và quyết định tính hợp lệ của các chứng cứ. Nếu báo cáo của quan kiểm sát thấy có cơ sở khởi tố thì vụ án sẽ được chuyển qua cho bên tòa án để xử. Nếu không vụ án sẽ bị đình chỉ điều tra mà không bị đưa ra xét xử. Trong lúc xét xử, tòa sẽ sử dụng phương thức của "hệ thống tranh cãi" giữa 2 bên công tố và luật sư biện hộ.

Với các quốc gia không theo hệ thống thẩm tra, quan tòa xử án, cơ quan điều tra và cơ quan công tố tiến hành những chức năng riêng biệt khác nhau. Theo hệ thống tranh cãi (adversarial system) này, sau khi cơ quan điều tra hoàn tất và đưa ra cáo trạng, quan tòa chủ tọa phiên xử chỉ đóng vai trò "trọng tài không thiên vị" để mặc cho 2 bên công tố và luật sư biện hộ "đấu đá nhau" nhằm phơi bày sự thật. Quan tòa sẽ quyết định chấp thuận hay bác các lập luận của mỗi bên dựa trên các thủ tục tranh luận định sẵn.

Lịch sử luật quy trình tố tụng

Thời trung cổ, các quan chỉ xét xử các tội phạm bị bắt tại trận hoặc các tội phạm bị tố cáo bởi nạn nhân hoặc nhân chứng. Nếu không bị bắt tại trận hoặc không bị ai tố cáo, phạm nhân sẽ mãi mãi ở ngoài vòng pháp luật. Hệ thống thời trung cổ này có nhiều điểm yếu vì phải lệ thuộc vào đơn tố cáo và hơn nữa, hình phạt cho việc làm chứng dối và vu cáo rất nặng nề khiến người ta hoặc không dám tố cáo, hoặc chỉ dùng đơn nặc danh. Tuy nhiên đơn nặc danh không có giá trị pháp lý.

Khoảng thế kỷ 13, lúc khái niệm quốc gia và nhà nước còn chưa hình thành và giáo hội còn quyền lực rất mạnh, Giáo hoàng Innocent Đệ Tam ban các sắc lệnh cải tổ hệ thống xét xử của giáo hội theo đó hệ thống thẩm tra lần đầu tiên được thiết lập. Theo đó cơ quan điều tra của giáo hội (tòa Đức Thánh Thần - ecclesiastical court) có thể thẩm vấn các nhân chứng và mở các cuộc điều tra không cần đơn tố cáo. Nếu kết quả điều tra cho thấy có cơ sở kết tội, thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố.

Suốt nhiều thế kỷ sau đó, các quốc gia từ chỗ hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình qua việc ban hành các đạo luật đến việc ban hành các luật về quy trình tố tụng dân sự lẫn hình sự đã tạo một điểm son nổi bật cho ngành tư pháp Châu Âu.